Kinh nghiệm chạy xe đường đèo cho người mới

by Cuồng Chân

Hôm nay mình sẽ viết một bài chia sẻ kinh nghiệm chạy xe đường đèo dành cho những bạn chưa có hoặc ít kinh nghiệm.

Kinh nghiệm chạy xe đường đèo là của cá nhân mình cũng như của một số đàn anh đi trước chỉ dạy. Các cung phía Bắc đèo rất nhiều, trang bị thêm kinh nghiệm lái xe đường đèo là việc cần thiết cho những bạn có ít kinh nghiệm hoặc mới chạy.

Trên đèo Ô Me Ga
Trên đèo Ô Me Ga

Kinh nghiệm chạy xe đường đèo

Đầu tiên là chuẩn bị xe kỹ lưỡng trước mỗi chuyến đi. Việc này rất cần thiết, vì có nhiều hỏng hóc nhỏ sẽ làm ảnh hưởng đến cả hành trình nếu bạn không chú ý. Đầu tiên săm lốp, nếu lốp quá mòn thì bạn nên thay chứ đừng tiếc. Lốp mòn dễ dẫn đến bục săm, trượt bánh khi vào cua. Tiếp theo đến phanh, rồi dầu máy. Nếu dầu máy đã đen quá thì phải thay ngay.

Một gốc cua đèo Ngoạn Mục
Một gốc cua đèo Ngoạn Mục – Kinh nghiệm chạy xe đường đèo

Theo kinh nghiệm chạy xe đường đèo, xe số nhỏ rất nóng máy, để lâu sẽ ảnh hưởng không tốt đến động cơ của xe. Ngoài ra còn đèn, còi, ốc vít… Bạn nên mang xe đi bảo dưỡng để xe được kiểm tra toàn diện một cách tốt nhất. Đừng ngại, vì một chuyến đi suôn sẻ an toàn.

Một số lưu ý khi chạy xe đường đèo

  • Về số trước khi chạy lên dốc: phía trước có dốc bạn hãy về 1 số cách đó khoảng 40-50 mét. Kéo lên 40-50km/h và giữ đều tay ga. Một số bạn có thói quen đến chân dốc mới về số, có khi về số 2, 1 rồi kéo ga. Làm vậy một là máy sẽ bị gằn, kêu rất to. Theo nữa xe đang ở vòng tua thấp bị tăng ga đột ngột xe không lực mà sẽ chạy ì hơn. Máy rất mau nóng và kêu. Còn việc về số tăng ga từ trước chân dốc sẽ tăng vòng tua, tăng đà cho xe chạy dốc rất ngọt. Hãy nhớ là giữ nguyên tay ga khi đang ở trên dốc, nếu có tăng thêm ga xe cũng không nhanh hơn đâu.
  • Khi đang chạy dốc nếu thấy tốc độ bắt đầu tụt từ từ thì hãy về số luôn và ngay và giữ đều tay ga.
  • Lên dốc số nào xuống số đó: Nếu bạn chạy lên dốc bằng số 3, thì khi xuống con dốc đó cũng chạy bằng số 3. Đây gọi là ép số, dùng số để làm phanh sẽ ghìm máy không bị lao nhanh xuống dốc. Nếu lúc đi xuống dốc cao hơn thì có thể đi bằng số 2 thậm chí là số 1. Miễn sao không được để xe lao đi quá nhanh như vậy rất nguy hiểm.
  • Không giữ phanh liên tục: khi lên đặc biết là xuống dốc không được giữ phanh liên tục (bóp phanh trước hoặc đạp phanh sau) sẽ dễ dẫn đến bị bó phanh, mòn má rất nhanh. Trước đây bạn Tuân lần đầu chạy đèo Ô Quý Hồ cũng bị bó phanh sau vì đạp phanh liên tục. Hậu quả bánh sau chết cứng phải đẩy bộ tìm hàng sửa xe. Xuống dốc bạn có thể về số như phía trên đề ghìm xe đi chậm. Nếu về số hết cỡ mà xe vẫn lao nhanh thì có thể kết hợp đạp phanh sau, bóp nhẹ phanh trước rồi nhả. Thao tác nhịp nhàng, tránh bóp mạnh phanh trước (nhất là phanh đĩa) có thể bị ngã.
  • Không ôm cua quá rộng: đường đèo thường chất lượng không tốt như thành phố. Rất nhiều bụi, đá dăm… dễ bị xòe lắm. Ôm cua rộng dễ bị trượt bánh, đặc biệt nếu bị giật mình khi có xe đi ngược chiều.
  • Bóp còi khi vào góc cua khuất: ra tín hiệu thông báo nếu có người đi ngược chiều. Mình đã gặp nhiều trường hợp các anh trai dân tộc đổ đèo ầm ầm, thường là thả trôi dốc ôm cua rất táo bạo. Không bóp còi chắc mấy anh ấy tông thẳng mình luôn.
  • Hạn chế đi đêm: sương mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế rất nguy hiểm khi chạy đêm. Nếu không may phải chạy đêm, thì bạn nên che đèn xe bằng một miếng nilon màu vàng để tăng khả năng chiếu sáng trong sương mù. Để đèn chế độ cos (chiếu gần) và nhìn xuống mặt đường. Vì không nhìn được phía trước nên chỉ có cách nhìn xuống đất để xác định đường đi tiếp. Nói chung là hạn chế để phải chạy đêm.
  • Bộ đồ sửa xe: trong đoàn nên có ít nhất 1 bạn biết sửa xe cơ bản như là vá săm, tăng xích. Vì khi chạy đèo xe gặp sự cố thì lúc đó chỉ có tự thân vận động thôi. May mắn thì sẽ có một anh dân tộc nào đó dừng lại giúp bạn.
  • Khi chạy theo đoàn, nên giữ khoảng cách an toàn tối thiểu tránh trường hợp 1 xe phanh gấp dẫn đến dồn toa. Nếu bạn còn ít kinh nghiệm chạy xe đường đèo, chưa chạy nhanh được như mọi người thì cũng không nên cố làm gì, như vậy rất nguy hiểm. Hay chạy trong khả năng có thể, lead nên dừng đợi mọi người ở điểm nào bằng phẳng ít dốc. Vừa làm để gom xe, vừa là cho máy nghỉ ngơi tỏa nhiệt.

Trên đây là một vài kinh nghiệm chạy xe đường đèo của bản thân mình. Các bạn có thể rèn luyện, tích luy kinh nghiệm dần qua các cung nhỏ, dễ chạy như Mai Châu, Mộc Châu… rồi đến các cung khác như đèo Bắc Sum Hà Giang, Cao Bằng.

Đường đèo uốn lượn ở Hà Giang - Kinh nghiệm chạy xe đường đèo
Đường đèo uốn lượn ở Hà Giang – Kinh nghiệm chạy xe đường đèo

2 comments

Trung 26 Tháng Tư, 2015 - 1:35 sáng

Mình đang định đi phượt nên rất cần cái này đây. Cám ơn nhiều nhé Huy!

Reply
Quốc Khánh 12 Tháng Một, 2019 - 12:54 sáng

Có lần mình đi đêm đường đèo từ đoạn phia oắc đến nà phặc mà sương mù lại còn mưa phùn nữa. Đi cách 3m ko nhìn nổi cái gì mà toàn bị đọng sương nên chạy ko kính cận lẫn chắn gió. Nghĩ lại h vẫn thấy sợ lúc đấy ???

Reply

Trả lời Quốc Khánh Cancel Reply